Sunday, June 27, 2010

HOÀ HỢP DÂN TỘC VIỆT

San Francisco ngày 22 tháng 6 năm 2010

Anh Minh Hiển thân mến, ***

Tôi viết thư này để trả lời cuộc phỏng vấn của anh về chủ đề: “HÒA HỢP DÂN TỘC”. Thoạt nghe tưởng là đơn giản: ai chẳng muốn HÒA BÌNH, HÒA HỢP nhưng trên thực tế không phải dễ đâu.

Hãy nhìn vào lịch sử Hoa Kỳ: 5 ngày sau khi quân đội Miền Nam buông súng đầu hàng để kết thúc cuộc nội chiến 4 năm đẫm máu (360 ngàn quân Miền Bắc và 250 ngàn quân Miền Nam tử trận), tổng thống Lincoln của phe thắng trận bị bọn quá khích ám sát. Đó là một tai họa lớn cho Hoa Kỳ vì sau khi Tổng Thống Lincoln mất đi vấn đề TÁI THIẾT được giải quyết một cách rất vụng về và hậu quả của những lỗi lầm còn âm vang hơn một thế kỷ sau. Lincoln đã có ý định bồi thường cho những chủ nhân nô lệ và đưa ra 1 đạo luật nhằm bảo đảm cho những người mới được giải phóng có phương tiện sinh hoạt dưới 1 chế độ tự do nhưng nhà cầm quyền miền Bắc không tiếp tục chính sách ôn hòa và thông cảm của Lincoln. Họ cương quyết áp chế kẻ chiến bại dù cho phải dùng đến võ lực và củng cố ưu thế chính đảng của họ tại Miền Nam bằng 2 đạo luật có tính cách báo thù (đạo luật ngày 2 và 23 tháng 3 năm 1867) mà hậu quả là các tương quan cực kỳ căng thẳng giữa Miền Bắc, Miền Nam nào là:
- “Chế độ bao hành lý” Carpet Bag Regime (Carpet baggers là thường dân da trắng tham lam từ miền Bắc xuống Miền Nam với 1 bao hành lý rỗng tuếch mà họ dự định vơ vét cho đầy để mang về).
- Nào là những sự vô trách nhiệm tài chánh, gian lận tham lam công quỹ vì luật lệ non nớt không quản lý chu đáo.
- Nào là những tổ chức bí mật Ku Klux Klan, đeo mặt nạ trắng, đội mũ cao nhọn hoắt và choàng 1 tấm vải trắng đi khủng bố người da đen.
Cuộc nội chiến Hoa Kỳ đã chấm dứt (1861-1865). Chính quyền Hoa Kỳ đã thống nhất thu về một mối nhưng lòng người còn phân hóa vì cách đối xử của phe thắng trận miền Bắc. Cuộc chiến có 4 năm mà tai hại ảnh hưởng đến cả thế kỷ sau.

Trông người mà ngẫm đến ta với cuộc chiến 30 năm (1945-1975) mất đi hàng triệu sinh linh. Chẳng cần phải nhắc lại những sai lầm, những tai hại trong thời hậu chiến vì mọi người đều biết và đã chấp nhận sửa đổi phần nào :
- Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh đưa ra chính sách “Cởi trói”.
- Thủ tướng Võ Văn Kiệt thành tâm nhận định : “Sau 30/4, một triệu người vui thì có một triệu người buồn”.
- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hô hào với kiều bào tại Quận Cam : “Tôi mong bà con hãy vì quê hương đất nước, mẹ hiền Việt Nam mà gạt bỏ những khác biệt để đoàn kết cùng nhau xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh hùng cường.”
- Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng thân chinh đến nhà một hạ dân tại San Fransco,ôm chặt và nhắn nhủ :
" Nỗi buồn thì đổ ra sông,
Niềm vui thì giữ trong lòng dài lâu.”

Phạm lỗi là chuyện thường tình. Nhận biết sai lầm để sửa đổi là điều đáng khen, đáng khâm phục. Cuộc chiến dài 30 năm vừa qua mà chiến tuyến đan xen giữa chiến tranh chống ngoại xâm với chiến tranh ý thức hệ, giữa nội chiến với cuộc chiến ủy nhiệm. Bao oan khiên xảy ra giữa người với người, giữa đồng bào ruột thịt : cha con anh em đối họng súng trên bãi chiến trường. Sau cuộc chiến lại tiếp nối tù đày, cải tạo, làm tan nát gia đinh sản nghiệp, nhiều người phải vượt biển trốn chạy. Đó là một quá khứ đau buồn oan khiên ngất ngất. Một bài học lớn cho người Việt Nam. Chúng ta phải nhận định công bằng để học hỏi rồi xếp vào quá khứ để hướng đến tương lai.

Hãy nhìn lại lịch sử:
-Ngày mồng 7 tháng 5 năm 1954, tin thất trận Điện Biên Phủ như một màn tang bao phủ thủ đô Paris, Pháp Quốc :chuông nhà thờ đổ dồn, xe bus ngưng chạy, nhà đại ca kịch opera đóng cửa;Thủ tướng Lanien trong bộ tang phục màu đen xuất hiện trước quốc hội, nghẹn ngào báo tin Điện Biên Phủ thất thủ, cả hội trường bàng hoàng đứng dậy,rồi giữa bầu không khí lặng phắt bật lên tiếng khóc nức nở của một nữ nghị sĩ.Sau 56 năm, tướng Marcel Bigeard , người chiến binh Điện Biên Phủ cuối cùng vừa qua đời ở tuổi 94 mong muốn thân xác mình được thiêu đốt lấy tro rắc trên bầu trời Điện Biên để sum họp với 4 ngàn vong hồn đồng đội.Ông đã sống 56 năm sau khi thất trận để mỗi năm gậm nhấm lại 1 ngày trong thời gian 56 ngày bị vây hãm.

Thế mà sau chiến tranh người Pháp trở lại Việt Nam như là một người bạn thân nhất, là một trong số quốc gia đổ tiền đầu tư viện trợ nhiều nhất cho Việt Nam.

- Người Mỹ muốn ngăn chặn làn sóng Cộng sản quốc tế, mang gần 1 triệu quân sang Việt Nam, trút xuống đất nước Việt Nam một số bom đạn nhiều hơn số bom đạn dùng trong thế chiến thứ II,tận dụng hết số pháo đài bay B-52, dùng cả tới khí giới hóa học chất độc da cam. Nhưng kết cục ngày 30/4/1975,quân đội Hoa Kỳ phải vội vã rút lui, đại sứ Martin phải hấp tấp cuốn cờ leo lên trực thăng phi tẩu.

Thế mà sau chiến tranh, người Mỹ trở lại Việt Nam như là một người bạn hào hiệp,dành cho Việt Nam quy chế tối huệ quốc, ủng hộ Việt Nam vào Hội Đồng Bảo An tại Liên Hiệp Quốc, và còn tỏ ý bênh vực Việt Nam trong cuộc tranh chấp biển Đông trong khi “Hội chứng Việt Nam” còn phảng phất trong tâm tư người dân Mỹ và Việt Nam Memorial với tên tuổi 34 ngàn tử sĩ Mỹ còn hằn lên như vết roi trên thủ đô Hoa Kỳ. Hai vị tổng thống Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam đã được dân chúng nhiệt liệt hoan nghênh đến độ sửng sốt như chưa từng có chuyện chồng con anh em bạn bè họ đã chết vì bom đạn của Mỹ - ông Bộ trưởng quốc phòng Mỹ hồ hởi khoe : “ Đi bộ trên đường phố Hà Nội còn an toàn hơn bên Mỹ”

Trong một tài liệu vừa giải mật của Cơ Quan Tình Báo Trung Ương Hoa Kỳ (CIA), tác giả Thomas L. Ahern, Jr. phát giác các lãnh tụ quốc gia miền Nam như Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh đã đều lăm le cố gắng tìm cách hòa giải với miền Bắc trong lúc cuộc chiến còn gay cấn.

Chiến tranh đã hết hơn 30 năm rồi – kẻ thù ngoại bang đã thành bạn hữu huống chi người Việt Nam với nhau sao không khép chặt quá khứ lại, dẹp các dị biệt đi để xây dựng một quê hương toàn vẹn lãnh thổ lãnh hải, để mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Mỗi một người Việt Nam phải được quyền tự do bằng lá phiếu để chọn lựa một lối sống cho mình.

“Dẹp bỏ cái khác biệt đi để hòa hợp” – lời kêu gọi của chủ tịch Nguyễn Minh Triết trong cuộc gặp mặt Việt kiều tại Quận Cam,phải được hiểu là : “ Mỗi người mỗi bên đều phải dẹp bỏ cái khác biệt” chứ không phải chỉ đòi hỏi người khác mà mình thì cứ khư khư giữ thành kiến của mình.

Hãy rũ hết các lớp áo, các nhãn hiệu Tây Tàu ,trở về với cái gốc Việt Nam, chúng ta sẽ giảm bớt các dị biệt để hòa hợp với nhau trong tình tương thân, tương kính.

Để kết luận tôi xin dẫn chứng một sự kiên lịch sử :
[ Cuộc nội chiến của Hoa Kỳ (1861-1865) kết thúc hai tướng Grant (Miền Bắc) và Lee (Miền Nam) ký kết các điều kiện đầu hàng tại Appomattox ngày 9 tháng 4 năm 1865. Ba ngày sau: ngày 12 tháng 4 mới là ngày quân đội miền Nam buông súng đầu hàng. Hai đạo quân dàn đôi bên con đường chạy theo phía đông rừng Appomatox. Chỉ huy cánh quân miền Bắc và điều khiển buổi lễ là tướng Chamberlain, nguyên là giáo sư đại học, huy chương danh dự, hai lần bị thương trên chiến trường.Chỉ huy 28,000 sĩ quan, binh sĩ liên hiệp miền Nam là tướng Gordon, 4 lần bị thương tại mặt trận, một lần bị trúng đạn xuyên qua mặt.

Tướng Chamberlain đã ghi lại trong hồi ký của mình :
“Từng đoàn, từng đoàn họ tiến bước theo nhịp quân hành, ép chặt vào nhau giống như một dòng người đội vương miện màu đỏ ối, giương cao quân kỳ và hiệu kỳ. Đây là những người mà gian lao, đau khổ, nhọc nhằn, kể cả tử thần không bẻ cong được quyết tâm của họ. Họ đứng thẳng hàng trước mặt đoàn quân chúng tôi, họ là một đoàn quân tơi tả, xương xẩu nhưng hiên ngang, mắt sáng ngời chiến thắng. Họ là những hình ảnh sống phản ảnh mối liên hệ thắm thiết chỉ có thể có giữa những người đồng đội trên chiến trường.”

Không hề dự định trước, cũng như không hề được chuẩn y trước, tướng Chamberlain bất thần hô lớn ra lệnh “Bồng súng chào” cho quân đội miền Bắc – một tiếng kèn lệnh vang lên và lập tức toàn thể đoàn quân miền Bắc bồng súng lên vai, tiếng báng súng rập khuôn vang lên. Phía đối diện, tướng Gordon thúc nhẹ con tuấn mã khụy 2 chân trước xuống, người và ngựa cùng cúi đầu, gươm tuốt trần chúc mũi trong một dáng điệu hùng vĩ tuyệt vời. Cùng lúc, đoàn quân miền Bắc chuyển qua bồng súng nghiêm chào. Họ chào những “Anh hùng bại trận”. Họ bày tỏ sự kính trọng của những người Hoa Kỳ đối với những người Hoa Kỳ.]

Viết xong 2 giờ sáng 23 tháng 6 năm 2010
tại biệt thự Hương Tâm, đại lộ Hoàng Hôn, San Francisco.

Bùi Duy Tâm

***Minh Hiển: Vụ phó vụ hợp tác Quốc tế,
Trưởng đại diện cơ quan thường trực đài tiếng nói Việt Nam TNVN (VOV) tại Mỹ.

No comments:

Post a Comment